Nhổ răng khó là những răng mọc lệch, răng ngầm, răng khôn bị tai biến, răng bị gẫy chân, răng dính khớp…. Lúc đó phương pháo nhổ thông thường không lấy răng ra được mà phải làm phẫu thuật : cắt chia chân, và mở rộng xương ổ răng để lấy răng ra sau đó niêm mạc nướu sẽ được khâu lại cho mau lành thương.

Những nguyên nhân dẫn đến nhổ răng:

– Sâu răng: Khi sâu răng đã quá trầm trọng, không thể trám hay điều trị nội nha được nữa thì cũng cần phải nhổ.
– Bệnh nha chu trầm trọng: trong trường hợp này răng bị lung lay đáng kể do xương bao bọc, hỗ trợ xung quanh răng đã bị tiêu huỷ, không thể phục hồi được nữa. Việc nhổ răng là phương án đơn giản và tiết kiệm nhất.

– Răng mọc lệch: Phổ biến nhất là răng nanh hàm trên và răng khôn. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch thì nhổ răng là cách duy nhất để ngăn chặn những tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

– Chỉnh hình răng: Đôi khi cần nhổ răng để tạo những khoảng trống cần thiết cho điều trị chỉnh hình răng.

– Chấn thương: trong những trường hợp gãy răng, gãy chân răng, không thể chữa trị được bằng phương pháp trám răng hay phục hình.

– Yếu tố kinh tế: Một số ít người chọn phương án nhổ răng đau, răng sâu thay vì chọn biện pháp trám răng, chữa răng tốn kém vì lý do kinh tế.

Nhổ răng khôn:

Răng khôn (răng số 8 hay răng cối lớn thứ ba) là răng mọc cuối cùng, thông thường chúng mọc vào khoảng từ 17 đến 25 tuổi.

Đây là răng gây nhiều tranh cãi bởi vì chức năng của nó không rõ ràng nhưng những phiền toái mà nó mang lại là rất phổ biến.

Như ta đã biết, loài người được xem là sản phẩm của quá trình tiến hoá, từ vượn đến vượn người rồi người nguyên thuỷ…trải qua vài triệu năm mới trở thành người hiện đại như ngày nay.

Trong quá trình tiến hoá ấy, xương hàm của con người trở nên bé dần.

Phần lớn hàm của chúng ta chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới.

Nhưng thực tế là chúng ta có tới 32 răng vì thêm 4 răng khôn, 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới.

Những chiếc răng này mọc sau cùng, do đó chúng thường không có đủ khoảng trống để mọc lên một cách bình thường.

Do thường không đủ chỗ để mọc lên theo hướng bình thường, răng khôn tự tìm cho mình một con đường khác để mọc, ví dụ như mọc ngược về phía sau xương hàm hoặc đâm thẳng về phía răng cối lớn thứ hai ở bên cạnh.

Hoặc chúng có thể cố gắng mọc bình thường, nhú lên khỏi lợi được một phần thì bị tắc và ngừng lại vĩnh viễn.

Do đó nếu bạn ở độ tuổi 23-25 mà chưa nhìn thấy răng khôn của mình mọc lên hoặc chỉ nhìn thấy một phần của răng (xem hình bên) thì gần như chắc chắn là răng khôn của bạn đã mọc lệch.

Người ta thống nhất rằng các trường hợp răng khôn mọc không bình thường mà gây ra hoặc có xu hướng gây ra tác hại đối với răng, lợi và xương ở xung quanh thì cần phải nhổ.

Cụ thể những vấn đề do răng khôn gây ra là gì?

– Sâu răng: Do răng khôn ở tận trong cùng của hàm răng nên rất khó để vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ, đặc biệt là ở những răng chỉ mọc lên được một phần hoặc mọc lệch, đâm vào răng bên cạnh.

Sự tích tụ này lâu ngày sẽ gây ra sâu răng. Nếu để lâu không chữa thì sẽ rất đau và nhiễm trùng có thể xảy ra.

– Viêm nướu: Sự tích tụ của thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn còn gây ra viêm nhiễm vùng nướu xung quanh.

Đây là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng sưng, đau, hôi miệng và đôi khi cứng khít hàm (bệnh nhân không thể mở miệng to được).

Bệnh viêm nướu này sẽ tái phát nhiều lần chừng nào mà răng khôn còn chưa được chữa trị, và càng ở những lần tái phát sau thì mức độ nguy hiểm càng cao.

– Huỷ hoại xương và răng xung quanh: Như đã trình bày ở trên, răng khôn có thể mọc theo hướng bất bình thường.

Khi răng mọc đâm sang răng bên cạnh, nó sẽ làm răng đó bị tiêu huỷ, lung lay, nhiều khi gây sâu răng, và cuối cùng là rụng răng.

Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực đó.

Trong một số truờng hợp hiếm khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ … gây nguy hiểm đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng.

VẤN ĐỀ NHỔ RĂNG KHÔN NHƯ THẾ NÀO?

Các răng khôn mọc ngầm trong xương hàm muốn nhổ cần đến một thủ thuật nhổ răng đặc biệt được gọi là nhổ răng tiểu phẫu thuật.

Tiểu phẫu thuật các răng khôn mọc ngầm, mọc lệch cần được thực hiện theo một quy trình vô trùng tốt như các cuộc phẫu thuật thông thường.

Bác sĩ sẽ gây tê, mở xương bộc lộ răng và nhổ răng.

Thời gian cho một lần tiểu phẫu răng khôn tùy thuộc độ khó của răng cần nhổ, trung bình thường chỉ mất khoảng 15-30 phút. 

Sau phẫu thuật bác sĩ sẽ cho toa thuốc chống viêm nhiễm và giảm đau hậu phẫu. 

Bệnh nhân về nhà nên ăn mềm, chú ý vệ sinh răng miệng kỹ và nghỉ ngơi vài ngày. 

Một lần phẫu thuật thường bác sĩ sẽ nhổ 1-2 răng hoặc nhiều hơn tùy tình trạng bệnh nhân.

Trong một số trường hợp, việc nhổ răng cần phải đình chỉ tạm thời:

Nhiễm trùng: Nhiễm trùng lây lan từ răng xuống xương và sang nướu xung quanh.

Thuốc tê sẽ không có tác dụng, do đó nếu vẫn cứ nhổ thì bệnh nhân sẽ rất đau.

Ngoài ra nhiễm trùng có thể xâm nhập, lan ra khắp cơ thể theo đường máu.

Như vậy, cần tạm thời hoãn nhổ răng đến khi nhiễm trùng đã được chữa trị bằng kháng sinh.

Nếu bạn thường xuyên sử dụng thuốc chống đông máu, ví dụ như Warfarin hoặc thuốc giảm đau Aspirin.

Việc nhổ răng sẽ nguy cơ mất máu trầm trọng.

Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thông thường răng chỉ được nhổ khi bạn đã ngừng sử dụng các thuốc nói trên ít nhất là 3 ngày.

Nếu bạn trải qua ca phẫu thuật tim trong khoảng 6 tháng trước đó thì nhổ răng chỉ được thực hiện khi bạn đã được dùng kháng sinh tăng cường, chống nhiễm trùng.

Ngoài ra một số bệnh lý toàn thân khác cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi nhổ răng.

Các bệnh nhân có thể trạng yếu, tuổi cao, tiền sử dị ứng cũng cần theo dõi kỹ khi nhổ răng.

NHA KHOA QUỲNH NHA

Địa chỉ: 136 Hoàng Hoa Thám, P7,Q. Bình Thạnh, TPHCM

Di động: 090 292 94 15 

Email: [email protected]

Website: quynhnha.com