Sâu Răng
Kết quả nghiên cứu trên sọ người cổ Neanderthal cho thấy bệnh sâu răng đã có từ rất lâu đời. Và cho đến ngày nay vẫn còn là căn bệnh thường gặp nhất.
Đã từ lâu, sâu răng đã là mối đe dọa cho tất cả trẻ em trên thế giới, song nói như thế không có nghĩa là người lớn không bị bệnh này. Người lớn sau 20 tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh sâu răng, tuy không nhiều so với trẻ em….
Muốn hiểu bệnh sâu răng hình thành ra sao, trước hết bạn cần tìm hiểu quá trình hình thành mảng bám trên răng. Mảng bám trên răng chính là sự kết hợp của những mẫu vụn thức ăn, nước bọt và các vi trùng thường trú trong hốc miệng. Hợp chất này có thể được tích tụ chỉ trong vòng vài giờ và bám dính lên bề mặt răng. Khi mảng bám răng bắt đầu hình thành, các vi trùng trong mảng bám này sẽ tạo ra các acid hữu cơ khiến lớp mô cứng bên ngoài răng bị mòn đi và dần dần răng bị thủng một lỗ (sâu răng).
Dấu hiệu đầu tiên của sâu răng là khi acid bắt đầu làm tan lớp canxi trên bề mặt răng, men răng trong vùng này sẽ trở nên mềm và có màu trắng như phấn. Đó là điều kiện thuận lợi để vi trùng và acid có thể xuyên vàn phần răng đã bị mòn lớp canxi, phá hủy phần bên trong của răng. Vào giai đoạn này, mảng bám răng đã bám chặt vào răng nên không thể chải sạch răng bằng bàn chải được.
Tuy nhiên nha sĩ có thể giúp bạn loại bỏ mảng bám trên răng, trám chỗ răng bị bào mòn nhằm ngăn chặn quá trình sâu răng tiếp diễn.
Nếu không ngăn chặn quá trình này kịp thời thì răng sẽ bị mất dần canxi, và sâu răng sẽ ăn sâu vào lớp ngà răng. Khi đó răng bạn sẽ có cảm giác đau buốt khi gặp khích thích lạnh hay ngọt từ thức ăn hay nước uống
Giai đoạn kế tiếp của sâu răng là lan đến dây thần kinh của răng. Lúc này sâu răng bắt đầu ăn lan đến khoang mạch máu và dây thần kinh, dễ dàng gây nhiễm trùng. Lý do là vì chỗ sâu răng đã tạo nên một lỗ hổng để cho những vi trùng từ họng vào phần bên trong của răng. Điều này cũng tương tự vết thương ngoài da,chỉ khác là trong trường hợp này thì ổ sâu răng vừa là lối vào vừa là ổ nhiễm trùng. Hậu quả của quá trình này là tạo thành ổ áp-xe (ổ tụ mủ) ở chân răng, ở mô quanh răng và xương hàm. Vào giai đoạn này, người bệnh sẽ rất đau nhức. Muốn giữ lại răng, bạn cần phải đến nha sĩ để chữa phần tủy răng. Toàn bộ quá trình sâu răng, từ khi men răng bị bào mòn cho đến lúc sâu răng lan đến khoang thần kinh của răng, thường diễn tiến trong khoảng hơn 12 tháng.
Rõ ràng trong quá trình mô tả ở trên, các mẫu vụn thức ăn là chất xúc tác quan trọng gây sâu răng. Vì vậy việc làm sạch các mẫu thức ăn (bằng cách chải răng hoặc xỉa răng) sẽ ngừa việc tích tụ các mảng bám trên răng. Trong thực tế,ngoài những thức ăn hàng ngày thì các chất bột đường (carbohydrate) cũng góp phần vào việc tạo mảng bám trên răng, dẫn đến sâu răng vì lúc ăn, các chất này chuyển thành acid nhanh hơn các chất khác.
Để giảm tác hại sâu răng do thực phẩm gây ra, bạn nên hạn chế số lần ăn kẹo, bánh (hay các thức ăn có chứa nhiều bột đường khác). Việc giảm hàm lượng các chất bột đường trong chế độ ăn sẽ giúp răng ít phải tiếp xúc với chất acid, nhờ đó ít sâu răng hơn. Một số nha sĩ còn khuyên nên loại bỏ chất đường ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên đây là điều không hợp lý, vì khi ta giảm lượng bột đường thì phải tăng tỉ lệ chất béo lên, và đó hoàn toàn không phải là cách chọn lựa tốt cho sức khoẻ về lâu, về dài.
Tuy nhiên, thông tin sau đây có thể sẽ làm bạn thất vọng, nghĩa là mặc dù đã nỗ lực tuân thủ các hướng dẫn nêu trên nhưng bạn vẫn không tránh khỏi bị sâu răng. Rõ ràng có nhiều người cũng hay ăn vặt, ăn bánh kẹo thường xuyên nhưng răng vẫn tốt, trong khi nhiều người khác dù chẳng dám ăn gì cả lại bị sâu răng nhiều hơn. Lý do có thể nằm ở bộ gen – yếu tố di truyền. Trong trường hợp này, việc giảm chất bột đường trong khẩu phần ăn không giúp ích gì cả. Bạn cần tăng cường bảo vệ răng bằng cách sử dụng chất fluoride để răng được chắc và khoẻ hơn.
Khi dùng fluoride, tỉ lệ mắc bệnh sâu răng sẽ giảm rõ rệt. Do đó việc dùng kem đánh răng có pha fluoride hàng ngày sẽ rất có lợi cho răng. Tuy nhiên nếu bạn quyết định dùng thuốc bổ sung fluoride hàng ngày, thì cần phải có sự hướng dân của nha sĩ. Lý do là nếu dùng quá nhiều fluoride thì răng sẽ bị những đóm đen và nâu, thậm chí còn có những rãnh trên bề mặt răng nữa.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cho phép pha fluoride vào nước sinh hoạt. Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi, nhiều người phản đối vì họ cho rằng mình bị ép buộc phài dùng fluoride. Hơn nữa, vấn đề đặt ra là pha fluoride với nồng độ bao nhiêu thì cho kết quả tốt nhất. Nhưng thực tế cho thấy thì khi dùng nước sinh hoạt có pha fluoride thì tỉ lệ sâu răng giảm xuống rõ rệt.
Ở đây, chúng tôi không có ý định tham gia tranh luận việc có dùng fluoride hay không. Tuy nhiên ở khu vực bạn sinh sống có pha fluoride vào nước sinh hoạt rồi, bạn không nên uống bổ sung thêm thuốc có chứa chất fluoride. Một điều ghi nhận đáng chú ý nữa là vào năm 1995 ở Grand Rapids khi bang Michigan bắt đầu dùng nước có fluoride thì tỉ lệ mắc bệnh loãng xương ở nhóm dân cư có sử dùng nguồn nước này đã giảm so với nhóm dân cư không dùng nước có fluoride
Chú ý : Nếu nơi bạn cư ngụ có sử dụng nước sinh hoạt đã pha fluoride mà bạn lại không muốn dùng thì bạn phải dùng nước uống đóng chai, hoặc mua thêm bình lọc nước dùng trong gia đình.
Bệnh Nướu Răng
Sau 35 tuổi, khoảng 82% trường hợp hư răng là do bệnh nha chu gây ra. Nếu phát hiện bệnh này sớm và điều trị kịp thời, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc,
Đây là căn bệnh mãn tính, diễn tiến chậm, mới đầu không gây đau nhức song về lâu dài sẽ gây viêm, phá huỷ nướu răng và xương tại chân răng, ảnh hưởng đến các cấu trúc nâng đỡ răng như : xương hàm, nướu, dây chằn. Ở đây, các mảng bám răng và vi trùng là thủ phạm chính nên loại bỏ các mảng bám trên răng là rất quan trọng nếu bạn không muốn bị mắc bệnh nha chu. Khi mảng bám răng được hình thành, những vi trùng thường trú trong đó sẽ kết hợp với một số thành phần của nước bọt để tạo thành một chất cặn gọi là vôi răng, rất cứng và có nhiều lỗ.Lớp vôi răng này sẽ gây kích thích và tạo điều kiện cho việc nhiễm trùng xảy ra, đồng thời các độc tố do vi trùng tiết ra sẽ phá huỷ các mô nâng đỡ cho răng.
Kết quả là nướu răng càng bị đẩy ra xa răng hơn, tạo nên những khoảng trống khiến mảng bám răng càng đọng lại nhiều hơn. Các khoảng trống này càng lớn thì bệnh càng nặng thêm. Nếu không điều trị kịp thời thì mảng bám răng sẽ lấn sâu xuống phần chân răng, khiến cho phần xương sẽ mất dần.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh nướu răng là nướu sưng đỏ, dẽ chảy máu. Đôi khi việc chảy máu ở nướu răng là dấu hiệu của một căn bệnh khác nhưng có rất nhiều người cho đó là điều bình thường. Chắc chắn nhận định sai lầm đó sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn.
Trong giai đoạn đầu, bệnh này thường không đau hay khó chịu, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người để bệnh nặng rồi mới đi khám và chữa trị. Chính vì vậy,mỗi ngày bạn cần phải quan tâm chăm sóc nướu răng, và phải đi khám ở nha sĩ ngay nếu thấy có điều gì bất thường.
Ngoài ra chế độ dinh dưỡng, hút thuốc, stress, các bệnh như bạch cầu, giai đọan đầu của nhiễm HIV/AIDS, có thai, các loại thuốc uống (như thuốc ngừa thai) cũng là tác nhân gây bệnh. Thậm chí một số thuốc trị bệnh tim mạch, chóng động kinh hoặc trầm cảm cũng có thể gây ra tác dụng phụ trên nướu
Chẩn đoán và điều trị
Để chuẩn đoán bệnh nướu răng, các nha sĩ thường quan sát màu sắc và độ chắc của nướu cũng như tìm các khoảng trống và đánh giá độ bám chặt của răng trên nướu.Việc thay đổi cách nhai hay cắn thức ăn kéo dài lâu ngày cũng có thể là một triệu chứng của bệnh nha chu.
Để điều trị bệnh nha chu, các bác sĩ chuyên khoa sẽ bắt đầu bằng việc dùng máy phát sóng siêu âm để làm long các mảnh vôi ra khỏi răng. Sau đó dùng các dụng cụ cầm tay để làm nhẵn bề mặt răng. Sau khi thực hiện 2 thao tác này, phần lớn vi trùng đã bị loại bỏ và nướu răng có thể tự điều chỉnh lại, ôm sát răng hơn, hoặc ít ra cũng co hẹp các khoảng trống đã tạo thành trước đó.
Tuy nhiên nếu bệnh viêm nướu tiến triển khá nặng thì có thể sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật để làm chậm sự phát triển của bệnh một cách triệt để và tích cực tránh để không phải thực hiện thêm nhiều việc điều trị nũa.
Phẫu thuật được tiến hành ở phòng mổ, bệnh nhân sẽ được gây mê, còn nếu chỉ làm tiểu phẫu ở ghế nha khoa thì bệnh nhân được chích thuốc tê. Nói chung các nha sĩ sẽ trao đổi với bạn để lựa chọn cách điều trị tốt nhất. Mục đích của cuộc phẫu thuật là nhầm lấy đi phần vôi răng bám sâu bên trong các khoang trống, và sau đó sẽ phẫu thuật tạo hình lại để các mẫu vôi răng ít xuất hiện hơn. Kỹ thuật mổ bao gồm tạo hình mô của nướu răng thành dạng dễ chải. Phần xương bị tổn thương cũng có thể được cắt lọc. Còn trong trường hợp bệnh nặng thì nha sĩ có thể làm nẹp tạm thời để răng vững lại.
Tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh và loại tổn thương như : sửa khớp cắn, chỉnh hình nha, dùng niềng răng hoặc thậm chí phải dùng kháng sinh, mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra một số phương pháp điều trị khác. Nhưng thông thường các thủ thuật này đều cần phải vận dụng kết hợp vì sử dụng riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả tối ưu cho việc điều trị.
Tóm lại, đa số bệnh nướu răng không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát được một phần mà thôi. Điều này cũng tương tự như bệnh như bệnh cao huyết áp hay tiểu đường. Vì vậy, khi bị viêm nuớu và cần phải điều trị, bạn nên thực hiện chữa trị lâu dài tức là bạn phải đến nha sĩ thường xuyên, cách 6 tuần hoặc 3 tháng phải đến thăm khám một lần. Có như thế bác sĩ chuyên khoa mới có thể theo dõi bệnh của bạn một cách chặt chẽ hơn.
Nếu không thực hiện việc điều trị sớm thì có nguy cơ bạn sẽ nhổ bỏ tất cả răng của mình. Người ta thường nói “Cái răng cái tóc là gốc con người”, nhai thoải mái, tiêu hoá tốt hơn, nụ cười đẹp hơn chính là tài sản quý nhất cho ngoại hình của bạn. Quan trọng hơn nữa, bạn sẽ tránh được sự đau đớn và khó chịu khi mắc các bệnh về răng miệng.
Áp Xe
Có nhiều nguyên nhân gây áp xe ở răng nhưng không phải lúc nào ta cũng tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Có hai loại : áp xe cấp tính phát triển rất nhanh gây đau nhiều, còn áp xe mãn tính có thê hoàn toàn không gây đau.
Áp xe cấp tính gây đau do nướu bị sưng lên, gây chèn ép bên trong hoặc chung quanh răng, mà răng lại không thể thích nghi với độ sưng này. Chúng ta đều biết rằng khi có nhiễm trùng ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể thì chỗ đó đều sưng lên do chất dịch viêm bị tích tụ ở đó, không thoát ra khỏi chỗ sưng làm ta cảm thấy đau nhức, khó chịu.
Trái lại, áp xe mãn tính có thể không đau do dịch viêm có xu hướng tạo một đường thoát lưu và chất dịch được dẫn ra khỏi chỗ viêm, làm giảm áp suất ở vùng này và bạn ít có cảm giác đau, hoặc nếu có đau thì cũng chỉ rất ít.
Để điều trị áp xe ở răng, nha sĩ có nhiều cách, tuy nhiên điều này còn tuỳ vào vị trí cũng như tính chất của ổ áp xe. Nhưng nguyên tắc chung là phải loại trừ nguồn gốc nhiễm trùng và phải dẫn lưu mũ trong ổ áp xe ra ngoài. Giải pháp có thể bao gồm: chữa tuỷ răng, chữa bệnh nha chu, hoặc thậm chí phải nhổ bỏ răng. Ngoài ra phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng kèm theo.